20 thiết kế định hình thế giới hiện đại bạn không thể bỏ qua

Thiết kế tuyệt vời không chỉ là những sản phẩm đẹp mắt. Nó có sức mạnh định hình cách chúng ta trải nghiệm cuộc sống.

1 – Áo ngực (1910): tạo kiểu dáng cho phụ nữ
Áo ngực là một tuyệt tác về thiết kế đóng gói: nó không phải là cách hiệu quả nhất để nâng đỡ bộ ngực phụ nữ, nhưng nó lại là cách hấp dẫn nhất. Một số hình dạng áo ngực đã được dùng ở thời cổ đại và xuất hiện tới lui trong suốt chiều dài lịch sử, nhưng chỉ đến thế kỷ 19 thì áo ngực mới bắt đầu thay thế những chiếc corset ép chặt đến ngộp thở. Nhưng những chiếc áo ngực ban đầu có thiết kế ngực đơn, bao toàn bộ khuôn ngực. Vào năm 1913, Caresse Crosby đã cải tiến chiếc áo ngực khi tách nó ra và tập trung vào từng bầu ngực riêng lẻ. Từ đó cho đến nay, áo ngực có rất nhiều cải tiến , mang đến vô số lựa chọn cho chị em, tùy thuộc vào dáng người, sự kiện, và sở thích cá nhân.

2 – Chai Coca-Cola (1915): Thiết kế đóng gói thành công nhất mọi thời đại
Coca-Cola muốn có một cái chai thật độc đáo để tách biệt sản phẩm của mình ra khỏi những sản phẩm khác trên thị trường và quyết định rằng cái chai với hình dáng có thể được nhận ra trong bóng tối hoặc ngay cả khi bị bể có thể tạo ra giá trị nhận diện cao. Chai Coca-Cola, do Earl R. Dean và Harold Hirsch thiết kế, được xem là là thiết kế đóng gói thành công nhất mọi thời đại. Dean lấy cảm hứng từ hình ảnh của hạt kola và lá coca được lấy từ từ điển bách khoa Britannica. Chai Coca-Cola được gọi bằng rất nhiều tên khác nhau qua năm tháng nhưng cái tên nổi bật nhất là “contour”, xuất hiện lần đầu vào năm 1925 trên tạp chí Le Monde của Pháp. Hình dáng tổng thể của chai vẫn không đổi từ đó cho đến giờ, tuy vẫn có vài chút thay đổi chỗ này chỗ kia.

3 – Máy ảnh Ur-Leica (1923): Biến ảnh báo chí trở thành hiện thực
Những chiếc camera thử nghiệm đầu tiên của Leica được biết đến dưới cái tên Ur-Leica. “Ur” là mã của Ernst Leitz II, người sáng lập ra Leica, và là tiếp đầu ngữ trong tiếng Đức, có nghĩa là nguyên bản hay đầu tiên. Trước Leica, máy ảnh giống như thiết bị công nghiệp hơn là một phụ kiện cá nhân. Những máy ảnh này sử dụng những tấm kính ảnh lộn xộn và cần đến tripod cồng kềnh. Oskar Barnack, nhà phát minh và nhiếp ảnh gia người Đức, đã thay đổi điều đó. Ông là một nhiếp ảnh gia nhưng vì mắc hen suyễn nên không thể sử dụng được những vật nặng. Do đó, vào năm 1923, ông tạo ra các băng cassette nhỏ gọn từ phim 35mm lấy từ các máy quay phim, cho phép phơi sáng nhiều lần. Ông cũng làm cho Leica có thể thay đổi ống kính. Tinh tế về mặt kỹ thuật nhưng cũng nhẹ, tháo lắp được và di động, Leica làm cho ảnh báo chí hiện đại trở thành hiện thực. Điều đó cũng dễ hiểu khi Barnack là một trong những người đầu tiên chụp những ảnh mà trong đó thể hiện hiện rõ mối liên hệ giữa người và quang cảnh xung quanh. 

4 – Pavillon de l’Esprit Nouveau (1925): Tòa nhà viết nên những quy tắc của chủ nghĩa hiện đại
Tác phẩm vĩ đại nhất của Charles-Édouard Jeanneret là Pavillon de l’Esprit Nouveau, được trưng bày ở triển lãm Paris vào năm 1925. Trong quá trình thiết kế căn nhà mẫu này, Le Corbusier (biệt danh của Charles-Édouard Jeanneret) đã tách khỏi phong cách Art Deco thịnh hành vào thời điểm đó. Ông cho rằng kiến trúc đang bị đẩy ra quá xa khỏi nhu cầu của con người, và ông muốn tập trung vào chức năng cũng như bỏ bớt các chi tiết trang trí rườm rà. Ông đã đưa ra một tầm nhìn về tương lai không thể xóa nhòa trong ký ức của nhiều người. Le Corbusier cho rằng ngôi nhà phải là một “cỗ máy để ở”.

5 – Ly Duraplex Picardie (1927): Sang trọng trong bình thường
Cái ly tưởng như bình thường như thế này, mà đúng là nó bình thường thiệt, là một trong những thiết kế hiện diện mọi nơi vì nó kết hợp được độ bền và sự tinh tế. Cái ly Duraplex Picardie được sử dụng rất nhiều trong các nhà hàng của Pháp, qua đó chứng tỏ sự bền bỉ đáng kinh ngạc của nó. Không chỉ bền và tinh tế, nó còn có thể sử dụng được trong lò vi sóng, tủ đông, có thể đựng đồ uống nóng, đồ uống lạnh, có thể xếp chồng lên nhau để tiết kiệm không gian. Người Pháp đặc biệt giỏi về sự sang chảnh mang tính bản địa, hoặc làm những việc bình thường cực kỳ tốt. Ly Duralex Picardie đơn giản là loại ly không thể bị bể theo nhiều nghĩa khác nhau: kính cường lực khiến nó trở nên đặc biệt cứng và bởi vì nó là tạo ra một phong cách sống riêng nên nó không dễ dàng bị thay thế. Mặc dù ly Picardie có rãnh xuất hiện vào thời kỳ đỉnh cao của Chủ nghĩa hiện đại vào năm 1927, thiết kế của nó gợi đến kiểu dáng của những chiếc ly uống nước thế kỷ 18. Picardie có nhiều kích cỡ khác nhau, cảm giác cầm rất tốt, bây giờ còn có thêm màu sắc nữa, nhưng đơn giản là nó không thể được làm tốt hơn nữa.

6 – Bản đồ tàu điện ngầm London (1931): Bản tóm tắt đồ họa tốt nhất từng có
Giống như dịch vụ truyền hình BBC, giao thông London là một trong những sáng kiến tuyệt vời nhất về dịch vụ công cộng vào những năm 1930. Frank Pick là người đã biến xe buýt và hệ thống ngầm trở thành sân khấu để thể hiện thiết kế hiện đại. Nhưng phản ứng đầu tiên của ông với bản đồ tàu điện ngầm do Harry Beck thiết kế không mấy tích cực. Bản đồ tàu điện ngầm đúng về mặt địa lý nhưng vô dụng về mặt thực tế bởi vì có quá nhiều nhà ga tập trung ở trung tâm làm cho nó không thể đọc được. Beck thấy rằng người đi tàu muốn thấy sự kết nối chứ không cần tới sự chính xác về mặt địa đồ. Sử dụng những đường kẻ dạng lưới (grid), ông đã thay đổi các tỷ lệ các khu vực của thành phố làm cho cái bản đồ tàu điện ngầm vừa lý tính vừa đương đại. Bản đồ của Beck đặt ra tiêu chuẩn về sự rõ ràng của đồ họa.

7 – Ghế CH24 (1949): Chiếc ghế hoàn hảo
Hans Wegner là con trai của một thợ sửa giày khiêm tốn, người đã mang những hiểu biết sâu sắc của nghề thủ công vào việc thiết kế ghế. Hans Wegner được xem là một trong những nhà thiết kế sáng tạo nhất của thiết kế nội thất Đan Mạch. Ông được mệnh danh là bậc thầy của ghế, khi tạo ra gần 500 mẫu ghế trong cuộc đời của mình, một số mẫu được xem là kiệt tác. CH24, được biết đến với cái tên khác là Wishbone Chair, lần đầu tiên được trưng bày vào năm 1949, là sự hợp tác đầu tiên của ông với nhà sản xuất Carl Hansen ở Copenhagen. Lấy cảm hứng từ những bức ảnh cũ về các thương nhân Đan Mạch ngồi trên những chiếc ghế thời nhà Minh, CH24 đã trở thành một tiêu chuẩn về ghế trên thế giới khi làm toát lên được cái hồn của chiếc ghế qua những đường nét vô cùng chức năng và đơn giản. CH24 vẫn còn được tiếp tục sản xuất cho đến bây giờ.

8 – Vali Rimowa (1950): Ai có thể nghĩ người ta có thể tái sáng tạo vali?
Năm 1919, Hugo Junkers ra mắt chiếc F13, chiếc máy bay hoàn toàn bằng kim loại đầu tiên. Nó là một chiếc máy bay rất cao cấp vào thời điểm đó, và thân máy bay bằng duralumin có rãnh và các cánh thể hiện sự hiện đại một cách ấn tượng. Năm 1950, Rimowa, một nhánh của Richard Morszeck Warenzeichen, ban đầu là nhà sản xuất hòm hấp bằng gỗ, nhưng vì hỏa hoạn làm cháy hết nhà máy nên chỉ còn mỗi nhôm để sản xuất, đã ra mắt vali nhôm có rãnh, lấy cảm hứng từ và cùng tinh tế kết hợp với chiếc máy bay Junkers. Kể từ đó, Rimowa đã trở thành tiêu chuẩn thế giới của một chiếc vali, “federleicht und stable” (nhẹ nhàng và ổn định). Thiết kế của nó đã được tinh chỉnh về sau, chẳng hạn như vào năm 2000, công ty ra mắt vali được làm từ polycarbonate nhẹ hơn và chịu nhiệt tốt hơn, nhưng về cơ bản vẫn không thay đổi. Nó là một ví dụ hoàn hảo về kỹ thuật và sản xuất xuất sắc của Đức.

9 – Máy radio và chơi đĩa Braun SK 4 (1956): Thiết kế sản phẩm nghiêm túc đạt đến đỉnh cao
Biểu tượng vĩ đại của Wirtschaftswunder, “kỳ tích kinh tế” của Đức, là công ty điện Braun của Frankfurt. Và nhân viên sáng giá nhất của Braun là Dieter Rams, người được xem là một trong những nhà thiết kế sản phẩm vĩ đại nhất từ trước đến nay vào năm 2017. Kỷ nguyên điện cơ không có tác phẩm nào mang tính tượng trưng hơn chiếc radio và máy chơi đĩa SK4 năm 1956 của ông: rõ ràng, cân đối, đẹp, thèm muốn. Được làm hoàn toàn bằng kim loại và gỗ, nó còn được biết đến với tên Schneewittchenssarg, hoặc “quan tài của Nàng Bạch Tuyết,” vì cái nắp được làm từ acrylic trong suốt của nó. SK 4 nổi bật với thiết kế vượt thời gian và đã trở thành sự tiên phong cho sự phát triển của các thiết bị tiếp theo trong toàn bộ ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng. 

10 – Vệ tinh Sputnik (1957): Vệ tinh đầu tiên trong thật lôi cuốn
Sputnik là vệ tinh nhân tạo đầu tiên bay vào quỹ đạo Trái Đất, gây sốc cho nhiều chuyên gia và người dân Mỹ vào thời điểm đó, chính khởi động cuộc chạy đua không gian giữa hai “ông trùm” Mỹ và Liên bang Xô viết. Một “ông trùm” khác nhưng ở tầm nhỏ hơn là Sergei Korolev, kỹ sư tên lửa và nhà thiết kế tàu vũ trụ xuất sắc của Xô viết, không chỉ muốn vệ tinh đầu tiên của mình bay vòng quanh Trái Đất mà nó còn phải đẹp nữa. Đó vừa là công nghệ vừa là nghệ thuật trình diễn, và Sputnik là kết quả: một quả cầu nhẹ, đường kính 23 inch với 4 anten dài, nặng 84kg và đến giờ vẫn là biểu tượng của du hành vũ trụ.

11 – Taxi Austin F4 (1958): Chiếc taxi đen nguyên bản đầu tiên
Taxi đầu tiên chạy bằng ngựa của London xuất hiện vào thế kỷ 17 và chiếc taxi ngựa cuối cùng dừng chạy vào năm 1947. Chỉ 11 năm sau đó, Austin giới thiệu FX4. Người thiết kế nên chiếc xe này là Eric Bailey. Đó là một kiệt tác về thiết kế gói gọn ở một phương tiện di chuyển: chỉ với chiều dài 4,5m, nó có thể chứa 5 hành khách, một tài xế và hành lý. Charles Eames, nhà thiết kế nổi tiếng người Mỹ, cho rằng FX4 là thiết kế tốt nhất trên thế giới.

12 – Xe hơi Mini (1959): Chiếc xe nhỏ đầu tiên không phân biệt giai cấp
Chiếc Mini năm 1959 đã trở thành chiếc xe ô tô có ảnh hưởng nhất từ trước đến nay. Đúng là Model T của Ford là chiếc xe phổ biến nhất, nhưng không ai sao chép nó. Kể từ năm 1959, mỗi chiếc xe nhỏ đều là một sự tái hiện lại của Mini ở một mức độ nào đó. Alec Issigonis đã thiết kế trước đó chiếc Morris Minor, một chiếc xe cao cấp, nhưng Mini Minor ’59 là sự đổi mới hoàn toàn. Để tiết kiệm không gian, chiếc xe này có động cơ ngang với hộp số giấu trong carter dầu. Bánh xe chỉ có đường kính 10 inch, hệ thống treo là cao su và nội thất được đơn giản hóa một cách triệt để. Dân chủ và hiện đại, nó trở thành một phần quan trọng trong các làn sóng văn hóa của thập niên tiếp theo và trở thành chiếc xe nhỏ đầu tiên không tạo ra phân biệt giai cấp. 

13 – Váy ngắn (1960): Biểu tượng của sự giải phóng tình dục
Mary Quant đặt tên cho chiếc váy ngắn (miniskirt) của mình theo tên chiếc xe yêu thích của bà ấy, chiếc Mini Cooper, mà bà ấy mô tả là “lạc quan, hồ hởi, trẻ trung, thích tán tỉnh.” Giống như chiếc xe Mini nguyên bản của Issigonis đã dân chủ hóa việc lái xe, chiếc váy ngắn của Quant đã dân chủ hóa thời trang. Nó gợi cảm một cách sống động và trở thành biểu tượng khó quên của London, thành phố được tạp chí Time gọi là “The Swinging City” vào năm 1966. Chiếc váy ngắn càng trở nên nổi tiếng trong các hình minh họa khoa học viễn tưởng khêu gợi, và André Courrèges cũng được cho là đã đi tiên phong trong thiết kế này, nhưng chính Quant là người sẽ luôn được nhớ đến vì đã biến đôi chân của phụ nữ trở thành biểu tượng của sự giải phóng.

14 – Bìa album Sgt. Pepper’s của The Beatles (1967): Đỉnh cao của nghệ thuật đại chúng
Năm 1956, Reid Miles bắt đầu làm giám đốc nghệ thuật cho các bìa album nhạc jazz cổ điển của Blue Note, nhưng rock và pop không đạt được những đỉnh cao tương tự như jazz cho đến thập kỷ tiếp theo với the Beatles. “Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band” năm 1967 là album concept đầu tiên, kiệt tác của Beatles và một bản thu âm vĩ đại đã vĩnh viễn xóa mờ sự khác biệt giữa nhạc pop và nhạc nghiêm túc. Họ đã thuê nghệ sĩ Pop Peter Blake thiết kế bìa album và bức ảnh ghép tuyệt vời của ông, đa dạng và điên rồ, có sức ảnh hưởng chẳng khác gì âm nhạc của The Beatles trong album đó. Đó là tinh hoa của âm nhạc pop ở mọi khía cạnh.

15 – Xe đạp Brompton (1979): Không có chiếc xe đạp nào được thiết kế khéo như chiếc xe này
Xe đạp an toàn ban đầu của thế kỷ 19 đã gần như là một thiết kế hoàn hảo, vì vậy nó vẫn không có gì thay đổi và cũng không bị thách thức cho đến khi Andrew Ritchie đệ đơn cấp bằng sáng chế cho xe đạp Brompton vào năm 1979. Được đặt theo tên nghĩa trang ở London mà ông nhìn ra khi đang tạo ra thiết kế của mình, Brompton là chiếc xe đạp gập đầu tiên thành công, tính di động và sự nhỏ gọn của nó là những lợi thế trong thiết kế xe đạp trong một thế kỷ. Không có lý thuyết, không có máy tính và với kinh nghiệm thực tế kiểu Anh, Ritchie đã phát triển cấu trúc hình học phức tạp của chiếc xe trên bàn bếp của mình. Hơn 40 năm sau đó, Brompton vẫn không có đối thủ.

16 – Sony Walkman (1981): Vật thể xác định lại không gian cá nhân
Một kiệt tác về tư duy lập dị của người Nhật: một chiếc máy ghi âm không ghi âm. Mặc dù là một sản phẩm analog, nhưng Walkman đã báo hiệu một sân khấu dành riêng cho mỗi cá nhân của cuộc cách mạng kỹ thuật số sắp xảy ra. Đó là phụ kiện không thể thiếu trong thập kỷ “Tôi”, một thiết bị để xác định không gian cá nhân. Sự nhỏ nhắn tỉ mỉ của nó dựa trên truyền thống Nhật Bản. Giống như Hoover (một loại máy hút bụi), “Walkman” đã trở thành một tên chung cho những máy nghe nhạc như thế này.

17 – Vách ngăn phòng Carlton (1981): Tại sao những căn nhà lại phải là những ngôi đền tĩnh lặng?
Ettore Sottsass là một trong những nhà thiết kế vĩ đại của trường phái “ricostruzione” (tái thiết) của Italia, thời kỳ tái thiết sau chiến tranh, sản xuất ra xe Vespa và xe Fiat 500. Những thiết kế của ông cho Olivetti về những thiết bị văn phòng trong những năm 1950 và 1960 đã là những máy móc cực kỳ cách mạng và đẹp nhất, nhưng Sottsass cảm thấy mệt mỏi với công việc trong tập đoàn. Năm 1981, ông tụ tập sinh viên và trợ lý để thành lập một nhóm được gọi là Memphis. Các đồ nội thất phi lý, phi trường phái của họ khiến người ta phải phá lên cười. “Tại sao các ngôi nhà phải là những ngôi đền tĩnh lặng?” Sottsass hỏi.

18 – Logo FedEx (1984): Sự cố thiết kế tuyệt vời nhất trong lịch sử
Năm 1994, nhà thiết kế đồ họa Lindon Leader của Landor Associates ở San Francisco đang làm việc cho Federal Express và chơi đùa với hai font chữ yêu thích của mình, Futura Bold và Univers 67. Khi ông ấy đưa hai từ viết tắt “Fed” và “Ex” lại gần nhau, một mũi tên xuất hiện như phép màu. Logo FedEx kết quả là một trong những sự cố ngẫu nhiên hạnh phúc nhất trong lịch sử thiết kế đồ họa. Logo này chắc chắn sẽ không bao giờ bị thay thế vì sẽ không có một logo nào tốt hơn nó.

19 – Ghế Laleggera (1996): Chiếc ghế nguyên bản nhất trong vòng 50 năm
Các nhà thiết kế luôn muốn tạo ra một chiếc ghế mới cho dù đã có nhiều lựa chọn để con người ngồi xuống. Tuy nhiên, một chiếc ghế mới vẫn là mục tiêu của các nhà thiết kế. Hầu hết nỗ lực đều phí công hoài của, nhưng chiếc ghế Laleggera của Riccardo Blumer làm cho Alias năm 1996, với sự đổi mới và đẹp đẽ, là một trong số rất ít những thiết kế đương đại sẽ một ngày nào đó trở thành kinh điển. Có sự tham chiếu rõ ràng đến chiếc ghế Leggera được tôn sùng của Gio Ponti vào năm 1954, Blumer đã sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến để đạt được những bước tiến ở khía cạnh thực tế và thẩm mỹ so với lịch sử. Thiết kế bằng gỗ rất nhẹ và tinh tế đến mức có cảm giác chiếc ghế gần như biến mất.

20 – iPhone (2007): Sự hội tụ của máy tính và điện thoại
Mọi người đã nói về việc kết hợp điện thoại và máy tính với nhau từ những năm 1970, nhưng điều đó không xảy ra cho đến khi Steve Jobs quyết tâm thực hiện. Chiếc iPhone ra mắt năm 2007 đã thay đổi cách chúng ta suy nghĩ và hành động. Nhưng iPhone không bao giờ được chấp nhận nhanh chóng như thế nếu Jonathan Ive không tạo ra một sản phẩm tuyệt vời như vậy. Là một người đam mê thiết kế của Dieter Rams nói riêng và những thiết kế của Đức nói chung trong những năm 1950, sử dụng kiến thức về các kỹ thuật thủ công mà anh học được từ cha là một thợ bạc, chiếc iPhone của Ive đã trở thành biểu tượng chính của một tôn giáo mới. Nó khiêm tốn, nhưng vĩ đại: không cần thêm bất cứ thứ gì, không cần bớt đi bất cứ thứ gì. Đó là một đồ vật hoàn hảo.

Nguồn: CNN, Tinhte